Phải có nông dân chuyên nghiệp

Muốn có nông nghiệp chuyên nghiệp phải có nông dân chuyên nghiệp, khởi nguồn từ những con người làm ăn tử tế và tạo không gian mở để nông dân tiếp cận, kết nối

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NN-PTNT chủ trì, giao Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 12-9.

Thiếu chuyên nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, cho rằng để nông dân sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp thì phải liên kết, hợp tác nhiều người với nhau. Nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả.

Theo ông Nghị, quy mô đủ lớn mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Đây là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là quy luật khách quan, không phải muốn hay không muốn mà được. Sản xuất theo quy luật thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất. Cùng với đó, phải có công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… Do đó, chúng ta phải tạo ra những nông dân chuyên nghiệp.

Thêm nữa, nếu có thương hiệu, giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10 - 20 lần. Muốn có thương hiệu thì phải liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy nguồn gốc, từ đó mới có thương hiệu được xây dựng bài bản và giá trị lâu dài. Chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" rồi "6 nhà" nhưng tại sao liên kết các nhà đều không thành công? Mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 "nhà": Nông dân và doanh nghiệp (DN). Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng.

"Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì DN bẻ kèo. Do đó, cần chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Để hạn chế tình trạng bẻ kèo, chính quyền cơ sở phải vào cuộc để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn" - ông Nghị bày tỏ.

Đáp lời ông Nghị, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH, nói các DN đều muốn xây dựng được vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với DN. Thực tế nhiều nông dân không biết sản xuất cái gì để bán cho DN. DN cũng rất muốn xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng và minh bạch nhưng không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ.

"Chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các HTX. Tuy nhiên, khi triển khai, nhiều nông dân e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia HTX. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được HTX kiểu mới và ai là người tham gia. Khi nông dân tham gia HTX thì được cái gì?" - ông Dũng nói.

''

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhấn mạnh sản xuất theo quy luật thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất

Cần chung tay góp sức

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nông thôn nước ta đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hạnh phúc. Những thành tựu đó có sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nông dân. Do vậy Diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết́ 20-NQ/TW về kinh tế tập thể.

Theo Phó Chủ tịch nước, việc xây dựng nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ. Trước hết, cần sự thôi thúc của bản thân nông dân, cùng với sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - ông Lương Quốc Đoàn, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề đặt ra ở đây là con người. Nông dân phải có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới.

"Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chính là lực lượng nòng cốt, nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hơn nữa là thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân" - ông Đoàn nói.

Câu chuyện sống còn của tiến trình chuyển đổi

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nền nông nghiệp của chúng ta vốn mù mờ về thông tin, mù mờ về dữ liệu để điều hành, nông dân sản xuất mù mờ về thị trường; thị trường thì mù mờ về xuất xứ, nguồn gốc nông sản, đôi khi cơ quan quản lý cũng mù mờ về cung cầu. Muốn chuyển nền nông nghiệp mù mờ, đánh đổi phải dựng lên, kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Muốn vậy thì phải có nông dân chuyên nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tế, bằng chữ tín. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thay vì thương cảm, xót xa với thực trạng của nông dân, hãy định hướng cho họ hướng đến chuyên nghiệp.

"Muốn vậy, cần nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để nông dân tiếp cận, kết nối những mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội. Đây là câu chuyện sống còn của tiến trình chuyển đổi nền nông nghiệp nước nhà. Đừng làm theo kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi" - Bộ trưởng NN-PTNT nói.

Trả lời câu hỏi của nông dân Trần Thị Thanh Thoan (Hà Nam) về việc quỹ đất dành cho nông nghiệp, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần so với trước đây là 10 lần. Bổ sung cơ chế góp vốn bằng quyền sử dụng đất; khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Nông dân được linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Suy giảm chất lượng lao động

Theo TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), hiện chất lượng lao động nông nghiệp đang suy giảm; chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã hút nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Điều này làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn
nld.com.vn