Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn 2050.
Chuyển từ đánh đổi sang không đánh đổi
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trên thế giới, tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo và Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời, cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tăng trưởng xanh bao gồm trong đó là tăng trưởng, là kinh tế, là lợi nhuận và đôi khi phải có sự đánh đổi, cả những chi phí hữu hình và vô hình. Nếu hữu hình có thể đo đếm như vật tư đầu vào, nhân công… thì chi phí vô hình như môi trường, sức khỏe, đa dạng sinh học vẫn chưa thống kê được. Do đó, ngành nông nghiệp cần thay đổi cục diện, chuyển từ đánh đổi sang không đánh đổi, hiện thực hóa thông điệp “Không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng” của các lãnh đạo Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn. Khi thay đổi sẽ là cơ hội cho Việt Nam thay đổi hình ảnh, sự định vị trong bức tranh tăng trưởng xanh.
"Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến:" biến động thị trường, biến đổi khí hậu, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Đây là hướng đi để hóa đổi 3 biến đó," Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
Để chuyển sang nền nông nghiệp xanh, Bộ trưởng cho rằng cần thay đổi nhận thức từ nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, cộng đồng dân cư… cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống các ngành hàng. Các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay để hình thành hệ sinh thái xanh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Trong số đó, có các chỉ tiêu về môi trường, tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Dalat Hasfarm cho rằng, đã từ lâu nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh với các tên gọi khác nhau như phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thân thiện với môi trường…
Năm 2015, doanh nghiệp đã phát triển dòng sản phẩm Bio Pro. Đó là phát triển từ các loại côn trùng và nấm có ích sử dụng trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể phát triển xanh với cơ chế chính sách cũ. Bên cạnh cơ chế chính sách mới phục vụ cho phát triển xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại những cơ chế chính sách không còn phù hợp với phát triển xanh. Điển hình, trong định hướng của Bộ sẽ phát triển được 30% sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là sinh học. Như vậy, việc cấp phép cho sản phẩm này cần phải thay đổi, có cơ chế thông thoáng, khuyến khích…
Nhưng, hiện nay quy trình đánh giá thuốc sinh học lại đang giống với sản phẩm vô cơ: thử nghiệm trên đồng ruộng, các bước đánh giá… mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bảo cho rằng để xây dựng lối sống xanh, các doanh nghiệp quan tâm đến dán nhãn sản phẩm xanh. Đây vừa là định hướng tiêu dùng nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc với nhà sản xuất để phát triển trong xu thế mới.
Cùng với đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết phát triển thị trường sản phẩm xanh.
Nâng cao kiến thức khoa học của nông dân
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện phần lớn nông dân không làm nông nghiệp xanh vì đang sử dụng nhiều hóa chất, nhất là phân bón hóa học. Khi nông dân lạm dụng phân bón hóa học sẽ gây ra các phản ứng trong đất, biến phân bón hóa học thành các khí nhà kính, gây nên biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, nông dân trồng lúa, hoa màu… bón nhiều phân urê thì sẽ tạo ra nhiều khí NO2. Đây là khí độc, làm cho khí quyển ấm lên, gây biến đổi khí hậu.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nông dân khắp nơi trên thế giới đang tiến tới áp dụng sản xuất nông nghiệp xanh, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ thay cho phân hóa học. Việc này sẽ giúp phục hồi tình trạng nguyên thủy của đất với nhiều vi sinh vật, có thể biến khoáng chất trong đất thành chất bổ dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Từ đó, sản phẩm của nông dân sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp cho khí hậu không bị biến đổi.
GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh, rào cản lớn nhất khi khi chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp đang thâm dụng tài nguyên, lạm dụng hóa chất, sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường chính là kiến thức khoa học của nông dân. Khi nông dân không nắm được kiến thức thì sẽ rất dễ lạm dụng các hóa chất. Do đó, nông dân cần ý thức được việc sử dụng hóa chất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trong giai đoạn đầu sẽ cho kết quả cao, nhưng càng sau này kết quả sẽ không như mong đợi, thậm chí gây tác hại lên cây trồng, môi trường đất, nước.
Vấn đề quan trọng là cần nâng cao kiến thức cho người nông dân - người đầu tiên tác động vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nông dân đã bắt đầu nhận thấy rằng nguyên liệu của họ được chế biến, xuất khẩu sang các thị trường, chẳng hạn như sang EU và bị trả về do vi phạm về các chất cấm, chất lượng không đảm bảo… Chính đây là điều nông dân cần nhận thấy để thay đổi trong sản xuất. Bởi, nếu cứ tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ thì sản phẩm của họ sẽ không được tiêu thụ.
Mặt khác, tôi cho rằng Nhà nước cần tích cực tuyên truyền để nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sạch. Thị trường tiêu thụ cũng cần hướng đến như các nước tiên tiến áp dụng là sản phẩm còn vi phạm về chất lượng thì sẽ không được tiêu thụ. Cụ thể, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất… để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn. Từ đó, nông dân sẽ thấy rằng, làm theo nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh sẽ không bị thua lỗ nhờ giá sản phẩm cao hơn.
Khi liên kết sản xuất, nông dân sẽ được áp dụng những khoa học kỹ thuật mới. Sản xuất nông nghiệp không phát thải, nông dân cũng có thể được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ cac-bon. Việc bán tín chỉ cac-bon cũng thu được khoản tài chính cho nông dân nhưng cái được lớn hơn là giúp cho không khí, môi trường nước sạch, phù hợp với sinh thái tự nhiên.
Hiện nhiều doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, nông dân sản xuất nông nghiệp sạch. Nông dân được hướng dẫn sản xuất ngay từ ban đầu với các quy trình kỹ thuật. Doanh nghiệp cũng thu mua nguyên liệu cho nông dân. Nông dân sản xuất sạch thì sản phẩm cũng được xuất khẩu tốt. Chẳng hạn như những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm được đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu thị trường thì nông dân cũng hưởng lợi từ thành quả đó. Đây là những mô hình cần được đẩy mạnh, nhân rộng.
Những doanh nghiệp làm được nông nghiệp sạch cần được tuyên truyền, khuyến kích, động viên để doanh nghiệp dẫn dắt nông dân tham gia thị trường nông nghiệp xanh.Vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo. Nhà nước cần có những cơ chế chính sách khuyến kích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường. Mở được thị trường, doanh nghiệp sẽ quay trở về vùng nguyên liệu để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch. Từ thị trường, doanh nghiệp sẽ “điều khiển” nông dân sản xuất xanh, sạch.
Cùng với đó, Nhà nước cũng phải có các quy định khắt khe trong việc sử dụng các hóa chất độc hại. Việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm độc hại phải được kiểm tra, kiểm soát và xử phạt thật nặng nếu các cơ quan chức năng phát hiện.
Tạp chí in số 10/2022