Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (đề án). Qua đó, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Thành viên Hợp tác xã Nông sản Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng chăm sóc rau giống
Ngoài ra, một số huyện đã tăng cường xã hội hóa trong hỗ trợ, thúc đẩy quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và được người dân ủng hộ, hưởng ứng như: xã hội hóa tổ chức lễ hội na, trái cây tươi ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, góp phần quảng bá sản phẩm; tuyên tuyền, khuyến khích người dân tự đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm từ phương pháp bọc túi nilon, sử dụng bẫy dính, bẫy bả ruồi vàng cho cây ăn quả…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm, liên kết với HTX, người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển cây thạch đen trên địa bàn huyện, từ năm 2019 đến nay, công ty đã chủ động liên kết ký hợp đồng với hơn 100 hộ dân tại xã Kim Đồng, huyện Tràng Định để sản xuất, tiêu thụ cây thạch đen. Theo đó, trong quá trình thực hiện, công ty cử cán bộ trực tiếp xuống đồng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thạch đen cho người dân nhằm đảm bảo chất lượng. Trung bình mỗi năm, công ty bao tiêu từ 1.500 đến 2.000 tấn thạch cho bà con nông dân với giá đã cam kết.
Nhờ đó, nếu như giai đoạn 2016 - 2020, các liên kết còn lỏng lẻo, không có hợp đồng liên kết giữa các bên, thiếu tính bền vững thì đến nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, THT, HTX thông qua hợp đồng liên kết, đảm bảo từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Việc đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tập trung vào các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh ở địa phương, liên kết hình thành chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng dán tem nhãn cho na
Tập trung triển khai
Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị, hình thành rõ nét các vùng sản xuất các sản phẩm hàng hóa.
Cụ thể như: vùng rau tại thành phố và các huyện Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình; vùng na tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng thuốc lá tại huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, Hữu Lũng; vùng quýt tại Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn; vùng hồng tại huyện Văn Lãng, Cao Lộc; vùng cây thạch đen tại Tràng Định, Bình Gia.
Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu do thương lái thu mua, giá cả đầu ra không ổn định, tiêu thụ thông qua hợp đồng liên lết sản phẩm còn ít. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông lâm nghiệp.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Nhằm thực hiện đề án, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, những năm qua, sở đã ban hành quyết định triển khai nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình, từ đó cụ thể hóa, xác định rõ các nhiệm vụ, nội dung công việc thực hiện, thời gian hoàn thành, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, dựa trên các vùng sản xuất các sản phẩm hàng hóa đã được hình thành, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho HTX, THT về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến theo quy trình kỹ thuật; tập huấn hướng dẫn người dân ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và chăn nuôi (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...). Nhờ đó, bà con nông dân nâng cao hiểu biết, có kiến thức ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...
Khi đảm bảo được vùng nguyên liệu, ngành chức năng cùng UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc kết nối, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, bao bì, nhãn mác... cho người sản xuất, đảm bảo sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của đơn vị doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Đơn cử, từ năm 2023 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ trên 59,4 tấn phân hữu cơ vi sinh, phân DAP và gần 6.000 bao bì sản phẩm cho các THT, HTX thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xây dựng theo Đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 là tổng thể các hoạt động liên quan đến một ngành hàng nông sản bao gồm các hoạt động có quan hệ với nhau (các khâu) có đầy đủ các thành phần tham gia chuỗi từ việc cung cấp đầu vào, tổ chức sản xuất, thu gom, chế biến, cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đảm bảo đầu ra, ổn định thị trường tiêu thụ
Nhờ hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tăng dần tính cạnh tranh sản phẩm theo hướng đa dạng loại sản phẩm từ sản phẩm tươi, thô đến sản phẩm đã sơ chế, chế biến, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp theo các hướng sản xuất VietGAP, hữu cơ, HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm)...
Do đó, các sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, được đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu của thị trường, các sản phẩm được tiêu thụ tại cửa hàng, nhà hàng, HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị sản phẩm nông sản.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hỗ trợ người dân, HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng và phát triển được 5 chuỗi liên kết với các sản phẩm gồm: na, đào, hồi, thuốc lá, khoai tây. Qua đó, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, các sản phẩm được doanh nghiệp liên kết thu mua với giá cao hơn trị trường khoảng 5 – 10%, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 2.080 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2022.
Cùng với đó, người dân tham gia chuỗi liên kết được tập huấn quy trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”.
Bà Mông Thị Viên, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, gia đình tôi trồng 13 sào khoai tây. Nếu như trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất và tiêu thụ thông qua các thương lái, giá cả bấp bênh, thì 2 năm trở lại đây, gia đình tham gia liên kết với Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn. Theo đó, tôi được tập huấn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây khoai tây và bao tiêu sản phẩm. Vụ khoai tây vừa qua, gia đình thu được khoảng 10 tấn khoai, thu nhập trên 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ có liên kết sản xuất, đầu ra ổn định nên gia đình rất yên tâm phát triển sản xuất.
Vệc thực hiện đề án đổi mới tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại các kết quả tích cực về kinh tế, xã hội.
Các thành phần tham gia làm tốt vai trò của mình trong tham gia chuỗi liên kết như: ổn định về vùng sản xuất, hình thành các liên kết mới, các vùng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu cho các đơn vị tham gia liên kết, xây dựng các sản phẩm của đơn vị, hạn chế một phần phụ thuộc vào bên liên kết. Từ đó, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và ngày càng phát triển bền vững hơn.
Cụ thể, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 3,99%. Các sản phẩm nông nghiệp dần khẳng định thương hiệu, thị trường tiêu thụ rộng mở, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần nâng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh đạt 50,8 triệu đồng năm 2023 (tăng 8,08 triệu đồng so với năm 2022).
Trong năm 2024, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đã và đang tiếp tục thực hiện xây dựng, phát triển 5 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cụ thể như: chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá; chuỗi thạch đen; chuỗi thủy sản; chuỗi hồi; chuỗi hoa đào.
Đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã khảo sát, xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện xây dựng chuỗi, phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh có 20 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát trển theo hướng bền vững.
CÁT TIÊN