Nâng cao hiệu quả nhóm đồng sở thích

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh tư vấn, hướng dẫn nông dân tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng thành lập nhóm đồng sở thích (CIG), đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định sinh kế, từng bước vươn lên làm giàu, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Dự án CSSP tỉnh vận động, hướng dẫn bà con xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh (Nguyên Bình)  thành lập nhóm CIG chăn nuôi gia súc. Theo đó, dự án hỗ trợ kinh phí để bà con đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung nuôi trâu, bò, lợn đen để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sau khi được dự án hỗ trợ, nhiều hộ tăng đàn vật nuôi, đặc biệt là nuôi trâu, bò. Ngoài nuôi trâu, bò sinh sản, một số hộ còn nuôi vỗ béo để cung cấp gia súc cho thị trường, tăng nguồn thu nhập đáng kể. Điển hình như gia đình chị Triệu Mùi Xiên đầu tư chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng cỏ voi và dự trữ thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi đúng định kỳ. Hằng năm, gia đình bán từ 5 - 6 con trâu, bò; xuất hơn 1 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí đạt thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đến nay, nhóm CIG chăn nuôi xóm Lũng Ỉn có 15 thành viên, nhóm tích cực hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc lợn nái, lợn con, vỗ béo trâu, bò, đảm bảo thức ăn chăn nuôi, cách phối giống để thực hiện chăn nuôi khép kín. Nhờ duy trì hiệu quả nhóm CIG chăn nuôi gia súc, đến nay, xóm giảm 3 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo.

Anh Triệu Thanh Tuấn, Trưởng nhóm CIG chăn nuôi gia súc xóm Lũng Ỉn cho biết: Để duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm, thời gian tới, nhóm tăng cường tuyên truyền, vận động, phát triển các thành viên, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động nhóm. Ngoài chăn nuôi, nhóm tập trung phát triển các loại cây trồng nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; tiếp tục phối hợp với dự án để tổ chức tham quan các mô hình tiêu biểu tại các địa bàn để các thành viên học tập kinh nghiệm, cách làm hay, vận dụng hiệu quả ở cơ sở.

''

Ông Đinh Xuân Cừ, xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) phổ biến kinh nghiệm thu hái sản phẩm thanh long cho các thành viên trong nhóm.

Đến nay, Dự án CSSP tỉnh phát triển 678 nhóm CIG tại địa bàn các huyện: Thạch An, Hà Quảng, Nguyên Bình, trong đó 644 nhóm tiếp cận Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh, được quỹ hỗ trợ trên 43,5 tỷ đồng. Theo đó, các nhóm CIG được hỗ trợ vốn mua giống cây ăn quả, cây nông nghiệp phục vụ cho nguyên liệu chế biến, cây dược liệu, cây trồng hàng hóa; đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với phương thức hỗ trợ vốn không hoàn lại, các thành viên trong nhóm được luân chuyển, quay vòng nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, tạo sinh kế bền vững. Nhiều nhóm duy trì hoạt động hiệu quả, tích cực liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án CSSP tỉnh phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác điển hình, tiêu biểu để nhân rộng tại các địa bàn cơ sở.

Giám đốc Ban Điều phối Dự án CSSP tỉnh Vũ Thị Hồng Thúy nhận định: Qua thực tế triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, việc tham gia nhóm CIG giúp người dân không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác manh mún sang sản xuất hàng hóa. Đồng thời, biết cách tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Để duy trì hiệu quả hoạt động các nhóm CIG trong sản xuất nông nghiệp và quản lý tốt nguồn vốn hỗ trợ, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo việc lập kế hoạch phát triển hoạt động nhóm phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất cây, con mũi nhọn, trọng điểm; có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất tạo động lực và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh hàng hóa theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tiến Mạnh

Nguồn
https://baocaobang.vn/

Tin liên quan