Hợp tác xã tại Quảng Ninh chuyển đổi sang sản xuất xanh

Gần đây, nhiều hợp tác xã tại Quảng Ninh đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trước nhu cầu ngày càng lớn về phân bón hữu cơ của nông dân trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh tại xã Cẩm La, Thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh đã cho ra đời các sản phẩm phân trùn quế lai đảm bảo chất lượng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Vịnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Quảng Yên cho biết, khi còn làm việc tại Hội Nông dân đã nhận thấy nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn rất lớn. Do vậy, sau khi về hưu đã cùng các thành viên thành lập hợp tác xã và sử dụng giống trùn quế lai vì loại này có kích thước lớn, ăn khỏe, tạo ra phân năng suất hơn. Ngoài ra, giống trùn quế lai rất hợp với môi trường, khí hậu tại địa phương, kháng bệnh tốt.

''

Nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất xanh nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người. Ảnh minh hoạ

Thức ăn của trùn quế rất đơn giản, đa dạng như phân gia súc, gia cầm, bã thải của bể biogas, bã sắn, bã đậu, bã mía, bã dong riềng, bèo tây, thân cây chuối, rác thải hữu cơ từ nhà bếp (trừ loại có tinh dầu). Tuy nhiên, trước khi cho trùn quế ăn, các loại thức ăn này cần được làm nhỏ, thức ăn có nguồn gốc từ thực vật cho ăn trực tiếp, thức ăn có nguồn gốc từ động vật ủ vi sinh cho lên men, nên cho trùn quế ăn nổi trên bề mặt, hạn chế cho ăn chìm do khối thức ăn chìm khi lên men sẽ sinh nhiệt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản của trùn. Mặt khác, môi trường chìm tạo nên hệ yếm khí, làm phát sinh một loạt khí độc như CH4, H2S, CO khiến trùn quế bỏ đi hoặc chết.

Thông thường, sau thả giống lần đầu khoảng 40-45 ngày, khi lớp sinh khối dày lên cũng là lúc người nuôi có thể thu phân trùn quế kết hợp san đàn. Với diện tích nuôi 430m2 như hiện nay, thời gian đầu, hợp tác xã sản xuất được 10 tấn phân trùn các loại/tháng, gồm phân trùn quế dạng bột, phân trùn quế viên nén và chế phẩm vi sinh. Do mới đi vào hoạt động, sản lượng chưa nhiều, hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã mới có mặt tại Thị xã Quảng Yên và Thị xã Đông Triều.

Theo anh Đỗ Văn Đức tại Thị xã Quảng Yên, toàn khu có 62ha đất trồng rau các loại; trong đó, gia đình anh trồng 2 mẫu rau ăn lá và hành. Trước đây, gia đình cùng các hộ trồng rau khác thường tự ủ hoai phân trâu, bò của gia đình để bón cho rau, một phần mua thêm bên ngoài. Thế nhưng, do xử lý mầm bệnh trong phân không triệt để nên rau thường bị sâu bệnh, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi sử dụng sản phẩm phân trùn quế hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hạ Long xanh, đất trồng màu mỡ, tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn, giúp nông dân giảm bớt công và nước tưới; rau ít bị sâu bệnh nên hình thức, chất lượng tốt hơn, được thị trường ưa chuộng.

Dù phân trùn quế không thể thay thế hoàn toàn phân hóa học, nhưng có thể giảm lượng phân hóa học, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại nguồn nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, quá trình ủ phân trùn quế có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình.

Tương tự, hành trình khởi nghiệp của anh Hoàng Đức Mạnh cùng các thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều) không khỏi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Với khát khao khởi nghiệp, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Mạnh trở về để đồng hành cùng các thành viên của Hợp tác xã Hoa Phong nhằm tiếp tục hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản an toàn trên mảnh đất quê hương.

Để có đất sản xuất, hợp tác xã đã chủ động tích lũy và huy động vốn để thuê lại ruộng đất của hơn 150 hộ dân với diện tích 13 ha để trồng rau củ quả sạch, đạt sản lượng 1.000 tấn/năm. Nhờ đa dạng sản phẩm, từ các loại rau sạch như cải cúc, rau đay, mồng tơi, đến các loại cây giống như súp lơ xuất khẩu sang Hàn Quốc, các thành viên của hợp tác xã đều thu nhập ổn định.

''

Rau ít bị sâu bệnh nên hình thức, chất lượng tốt hơn, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, từ năm 2021, anh Mạnh với tư cách là Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong đã cùng các thành viên đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất, liên kết đầu tư nhà màng diện tích 11.000 m2 để tập trung vào các loại cây chất lượng cao như dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, rau màu hữu cơ.

Trên nền tảng ban đầu, hợp tác xã tiếp tục ứng dụng hệ thống trồng dưa giá thể (gieo hạt trong khay ở nhà màng), ứng dụng công nghệ tưới tự động cùng hệ thống máy gieo hạt tự động 6 trong 1 hiện đại công suất 25.000 hạt cây giống/giờ…Sau khi hoàn thiện sản xuất theo hướng hiện đại, anh Mạnh cùng thành viên hợp tác xã lại bắt tay nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm. Hiện tại, hợp tác xã có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như hành thái lát sấy khô, bột sắn dây tinh khiết, gạo nếp cái hoa vàng…Doanh thu bình quân của hợp tác xã trong nhiều năm qua luôn đạt trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân trên 2 tỷ đồng và tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ.

Một trong nhưng điểm sáng tại vũng đất mỏ là Hợp tác xã na dai Đông Triều. Để tạo ra các sản phẩm sạch, thời gian qua, các hộ trồng na đã tích cực chuyển đổi canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho cây na.

Chính nhờ sự đồng hành của địa phương và Hợp tác xã na dai Đông Triều, gia đình ông Nguyễn Minh Sơn, thành viên liên kết của hợp tác xã đã khai canh tác hơn 1,2 ha na theo quy trình VietGAP, đồng thời chủ động ứng dụng kỹ thuật để “ép” na ra quả gối vụ.

Cụ thể, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Tuy nhiên, nếu áp dụng các kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Nhờ sản xuất khoa học, trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn, gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.

Thời gian tới, nhiều mô hình hợp tác xã tại thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục hướng sản xuất tập trung, sản xuất có liên kết, hình thành những mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và làm chủ công nghệ sản xuất. Mỗi sản phẩm nông nghiệp chứa hàm lượng khoa học cao, có tính đặc thù, thông số đã được mã hóa, đáp ứng nhu cầu của đối tượng người tiêu dùng và thị trường khó tính.

Nguồn
https://bnews.vn/

Tin liên quan