Giống bí xanh Thanh Ngọc
I. THÔNG TIN CHUNG
Nguồn gốc:
– Giống bí xanh Thanh Ngọc do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo từ tổ hợp (BX7♀ x TT5♂). Giống được tự công bố lưu hành tại văn bản số 367/VCLT-KH, ngày 17/10/2023 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm; Cục Trồng trọt tiếp nhận hồ sơ và đăng tải thông tin trên cở sở dữ liệu Ngành trồng trọt ngày 06/12/2023.
– Nhóm tác giả: Đoàn Xuân Cảnh, Nguyễn Đình Thiều, Đoàn Thị Thanh Thúy, Đỗ Thị Thủy, Trịnh Thị Lan và Trương Thị Thương.
Đặc điểm:
Giống bí xanh Thanh Ngọc thích hợp trồng trong vụ xuân hè và thu đông. Giống có thời gian sinh trưởng 95 – 125 ngày, thu quả đầu sau trồng 65 – 75 ngày. Quả dạng trung bình, chiều dài quả 52 – 55 cm, đường kính quả 7,8 – 8,4 cm, khối lượng quả trung bình 1,5 – 1,6 kg. Vỏ quả màu xanh đậm, thịt quả dày màu xanh nhạt. Hàm lượng chất khô trong quả đạt 4,37%, đường tổng số 3,78% và vitamin C 5,78 mg/100g chất tươi, phù hợp ăn tươi và chế biến. Giống có năng suất trung bình 51 – 61 tấn/ha, chống chịu bệnh phấn trắng điểm 3 và chịu nóng khá.
Phạm vi áp dụng:Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc
II. HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CANH TÁC
Chuẩn bị giống:
– Lượng hạt giống (1 ha): 0,4 kg (áp dụng kỹ thuật trồng thả bò) và 0,6 kg (áp dụng kỹ thuật trồng cắm giàn).
– Tuổi cây con: 20 – 25 ngày sau gieo, trồng khi cây có 1 – 2 lá thật.
Thời vụ gieo hạt: Vụ xuân hè gieo hạt ngày 15/01 – 05/02, Vụ thu đông gieo hạt ngày 25/8 – 10/9.
Chuẩn bị đất, mật độ trồng:
Chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, thuận tiện cho tưới, tiêu nước.
Trồng cắm giàn (mật độ trồng 2,0 vạn cây/ha): Lên luống rộng 2,0 m, trồng 2 hàng/luống, (hàng x hàng) 1,5-1,6 m, (cây x cây) 0,5 m.
Trồng thả bò (mật độ trồng 1,4 vạn cây/ha): Lên luống rộng 3,5 m, trồng 2 hàng/luống, (hàng x hàng) 2,8 m, (cây x cây) 0,4 m.
Phân bón (1 ha): 2,0 tấn phân hữu cơ vi sinh + 160 kg N + 120 kg P2O5 + 120 kg K2O (trồng cắm giàn) hoặc 2,0 tấn phân hữu cơ vi sinh + 140 kg N + 120 kg P2O5 + 120 kg K2O (trồng thả bò).
Kỹ thuật bón phân và chăm sóc:
– Bón lót: Đánh rạch thành 2 hàng dọc, bón toàn bộ phân hữu cơ vi sinh, phân lân vào rạch đảo đều với đất, lấp đầy rạch trước khi trồng 2 – 3 ngày.
– Bón thúc đợt 1 (sau khi trồng 15 – 20 ngày, cây có 5 – 6 lá thật): Bón 25% đạm + 25% kali xung quanh gốc 15 – 20 cm, kết hợp vun xới phá váng lần 1.
– Bón thúc đợt 2 (sau khi trồng 30 – 35 ngày): Bón 50% đạm + 50% kali giữa 2 hốc kết hợp vun xới lần 2, cắm giàn.
– Bón thúc đợt 3 (sau trồng 40 – 45 ngày): Bón hết số phân còn lại, hòa nước tưới vào giữa luống hoặc rắc vào giữa luống kết hợp tưới thấm vào buổi chiều mát.
– Tưới nước: Thường xuyên giữ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển.
– Tỉa nhánh, định quả: Sau vun xới lần 2, tiến hành tỉa nhánh (để 1 thân chính và 1 thân phụ), dùng dây mềm buộc cây lên giàn (hoặc dàn đều ngọn trên mặt luống đã phủ rơm rạ, hướng ngọn vào trong đối với trồng bí thả bò). Mỗi nhánh để 2-3 quả non hoặc để 1 quả già.
– Kỹ thuật trồng bí xanh thả bò chỉ thực hiện trong vụ Thu đông, sau khi vun xới đợt 2 tiến hành phủ mặt luống, dùng rơm, rạ hoặc màng phủ nông nghiệp rải đều trên mặt luống. Chú ý không tưới tràn, rút hết nước khi trời mưa to.
Phòng trừ sâu bệnh:
Áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Trước khi trồng cần vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, cày đất sớm để trừ trứng, nhộng, sâu non… có trong đất.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và diệt sớm ổ trứng, sâu non. Ngoài ra có thể sử dụng chế phẩm Trichoderma liều lượng 28 kg/ha để phòng trừ nấm bệnh. Phun phòng trừ sâu bệnh hại triệt để ở thời kỳ cây con. Sử dụng thuốc sinh học (BT) trong giai đoạn thu quả.
Thu hoạch, bảo quản: Thu hoạch vào buổi sáng khi quả đậu 30-35 ngày (quả non), 50 -60 ngày (quả già), bảo quản nơi thoáng mát. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
III. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ
Bộ môn Cây thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
+ Địa chỉ: Xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
+ Điện thoại: 0220 3716386
+ Fax: 0220 3716385